Cách làm món mắm ba khía
Ba khía là loài thuộc họ cua, gần giống với con cua đồng, sống ở vùng bãi bồi nước lợ, mặn dưới những tán đước, mắm rậm rạp. Thân ba khía màu đen phối sắc tím đỏ với ba vạch sọc trên lưng. Vì chăng, trên lưng của chúng có ba vạch sọc nên được gọi là ba khía!
Con ba khía có nhiều ở những khu rừng ngập mặn ở Cà Mau
Con ba khía có nhiều ở vùng Nam Bộ nhưng ngon nhất, nức tiếng xưa nay vẫn là con ba khía ở Rạch Gốc thuộc huyện Ngọc Hiển, Cà Mau. Con ba khía ở đây ăn trái mắm đen rụng xuống nên có gạch son, thịt thơm và chắc hơn ở những nơi khác.
Mùa ba khía bắt đầu từ khoảng tháng 7 tháng 8 Âm lịch hàng năm, lúc trời sa mưa cũng là lúc “gọi tình” của những con ba khía! Đây cũng là lúc con ba khía ngon, chắc thịt và đầy gạch son.
Nhưng ngày hội ba khía thật sự là lúc mùa nước lên, tháng 10 tháng 11 Âm lịch. Vào những đêm tối trời, ba khía rời khỏi hang bò lên khắp các thân cây đước, cây mắm, những bãi bùn ven bờ, chỉ cần quơ tay là có thể bắt được năm bảy con.
Người Cà Mau soi đèn bắt ba khía vào ban đêm
Con ba khía sau khi bắt về, rửa sạch bùn và cho vào khạp nước muối đậy kín lại, khoảng 5-7 ngày là ăn được. Độ ngon của con ba khía đều tùy thuộc vào độ mặn của nước muối, nếu muối nhạt quá thì con ba khía sẽ bị bủng, ăn mất ngon, còn nếu mặn quá thì con ba khía sẽ bị rụng càng, chát thịt. Để muối cho con ba khía vẫn giữ được màu sắc như khi còn sống, thịt vẫn chắc, mặn dịu, ăn ngon thì đòi hỏi phải có kinh nghiệm và kỹ thuật của người làm nghề!